Người Việt thường quan niệm đầu năm may mắn thì cả năm may mắn. Theo phong tục dân gian, trong 3 ngày đầu tiên của năm mới mọi người thường làm những nghi thức cầu bình an, may mắn cho người thân và gia đình để cả năm được may mắn. Đi cùng đó là những điều cần phải kiêng kỵ để tránh mang vận xui về nhà, những điều đến làm ảnh hưởng đến tài lộc cả năm. Tuy nhiên, còn nhiều người vẫn không biết những điều kiêng kỵ đó là gì. Trong bài viết này sẽ tổng hợp “Những điều kiêng kỵ trong 3 ngày đầu năm để tránh xui xẻo”
Danh Mục
1. Những điều kiêng kỵ trong 3 ngày đầu năm để tránh xui xẻo
1.1 Không quét nhà, đổ rác vào mùng 1
Theo quan niệm ông bà ta đã lưu truyền qua nhiều đời, trong ngày mùng 1 tuyệt đối không được quét nhà hay đổ rác. Việc quét nhà trong ngày đầu năm mới được cho rằng là sẽ quét hết phúc lộc, tiền tài ra khỏi nhà. Đổ rác tượng trưng cho việc vứt bỏ những điều may mắn ra khỏi nhà. Theo cách hiểu khác, quét nhà như là một cách đuổi thần tài đi. Thần tài sẽ không ở lại phù hộ cho đình như vậy năm mới sẽ thiếu thốn, làm ăn thất thoát, không tích lũy được gì.
Vậy mùng 1 lỡ quét nhà có sao không? Dù không có nghiên cứu nào chứng minh việc quét nhà sẽ hao tổn tài lộc, nhưng là một quan niệm dân gian nên tùy vào niềm tin của mỗi người ”có thờ có thiêng, có kiêng có lành”. Nếu bạn quét nhà thì nên quét từ hướng ngoài cửa vào trong nhà, tụ lại tại một góc đợi sau lễ hóa vàng có thể hót đổ đi.
1.2 Không cho người khác lửa, nước đầu năm
Trong ngũ hành, lửa (hoả) là yếu tố mạnh mẽ, mang nhiều năng lượng, tương sinh tương khắc với nhiều yếu tố để sinh trưởng. Lửa mang lại ánh sáng, hơi ấm, hy vọng, may mắn và sự bùng nổ. Ngoài ra, lửa còn tượng trưng cho sự nhiệt huyết, mạnh mẽ. Với đời sống con người, lửa là yếu tố quan trọng, luôn hiện diện trong sinh hoạt thường ngày. Màu đỏ của lửa mang đến sự may mắn, tài lộc và là biểu tượng tích cực những ngày đầu năm mới.
Vì thế, vào dịp Tết Nguyên đán, người ta rất kỵ việc xin lửa. Dù là hộp diêm hay chiếc bật lửa, việc xin hoặc hỏi mượn sẽ lấy mất vận may của bản thân, cho đi tài lộc. Vậy nên, các gia đình thường kiêng kỵ cho cho lửa ngày đầu năm mới.
Trong ngũ hành, thuỷ (nước) tượng trưng cho sự hiền hòa, dịu êm, nuôi dưỡng sự sống của thế giới. Mặt khác, nước cũng ẩn chứa sức mạnh to lớn, khả năng bùng nổ mạnh mẽ.
Về mặt phong thuỷ, nước là tài lộc sinh sôi, phát triển, được ví như “tiền vào như nước”. Vì thế, các gia đình thường kiêng kỵ việc cho nước trong những ngày đầu năm để tránh vận xui, ảnh hưởng đến tài lộc trong công việc, làm ăn buôn bán.
1.3 Kiêng làm vỡ đồ dùng
Việc làm vỡ đồ trong những ngày đầu năm là điềm báo cho việc tan vỡ, chia ly, không hòa thuận trong các mối quan hệ trong gia đình. Việc làm vỡ chén bát đầu năm mới mang ý nghĩa suốt cả năm có thể rất khó kiếm cái ăn cái mặc, tiền bạc chật vật, tài chính khó khăn, công việc trì trệ. Ngoài ra, dân gian quan niệm tiếng vỡ bát đánh thức những vong hồn ma quỷ, khiến chúng tìm đến và mang lại xui rủi làm bạn cả năm không được yên ổn. Nếu chẳng may có thứ gì bị vỡ, người ta thường dùng giấy đỏ để gói lại những mảnh vỡ rồi nói “quanh năm bình an”.
1.4 Không hỏi vay hay đòi nợ
Đầu năm mới kiêng kỵ vay tiền, đòi nợ tiền bạc. Như vậy sẽ báo hiệu một năm đi vay rồi đi trả của mình, cả năm sẽ không thu được tiền tài vào nhà, rơi vào cảnh túng thiếu, nợ nần.
Bên cạnh đó, nếu cho vay tiền đầu năm còn được quan niệm như “dâng” tài lộc của chính bản thân mình cho người khác. Nếu bạn có đang nợ ai thì nên sắp xếp để trả nợ trước Tết nhé. Trả nợ trước Tết không chỉ là hành động thực tế của những người ý thức được “có vay, có trả”, mà còn là để không bị mất tình thân, giữ được mối quan hệ tốt đẹp, từ đó giúp ích cho công việc, cuộc sống tinh thần sau này. Ngoài ra theo quan niệm xưa khi bạn hoàn tất nợ nần, khúc mắc của năm cũ thì một năm mới sẽ gặp được nhiều may mắn, nhiều tài lộc đến nhà, mọi việc làm đều suôn sẻ.
1.5 Không cãi nhau vào mùng 1
Tết là thời điểm để tất cả các thành viên trong gia đình đang đi học, đi làm ở những nơi xa sum vầy, đoàn tụ về để gặp mặt nhau cùng đón năm mới. Nếu cãi nhau ngày đầu năm xem như cả năm của bạn sẽ gặp nhiều khúc mắc, không vui cho một năm. Bạn nên khéo léo để tránh gây gổ, tranh cãi để không làm mất hòa khí đối với người thân và niềm vui của tất cả mọi người trong ngày đầu xuân nhé.
1.6 Kiêng mặc đồ trắng, đồ đen
Màu trắng, màu đen là màu của tang phục, mang bầu không khí tang tóc, u ám. Vậy nên người ta thường kiêng mặc đồ đen trong ngày đầu năm. Bạn nên lựa chọn những trang phục có màu sắc sặc sỡ tạo sự tươi tắn, tràn đầy phấn khởi vui vẻ. Đặc biệt hai màu là đỏ và vàng là màu được nhiều người ưa chuộng. Màu vàng là màu sắc tượng trưng cho tài lộc, phú quý, thịnh vượng. Ngoài ra, màu vàng còn là màu của ánh sáng mặt trời ấm áp, tươi sáng, xua tan đi mây mù u ám. Màu đỏ là màu tượng trưng cho sự đầm ấm, may mắn. Sắc đỏ phù hợp với không khí linh thiêng, sum vầy của dịp Tết cổ truyền vì nó mang lại vượng khí, phúc lộc.
1.7 Không được cắt tóc, gội đầu
Không được gội đầu vào ngày Tết Nguyên đán vì cho rằng việc “rửa lộc” đầu năm được coi là điều không tốt. Ông bà ta quan niệm, tóc tai là gắn liền với con người, đại diện cho sức khỏe, nếu cắt tóc ngày đầu năm sẽ cắt đi vận may và sức khỏe
1.8 Kiêng ăn nói xui xẻo, nói tục
Những lời nói trong năm mới cũng phải cẩn trọng vì năm mới chỉ mong may mắn đến nhà vì vậy những lời xui xẻo, nói tục dù là đùa vui cũng tuyệt đối không được nói ra. Không ai muốn nghe những lời có ý nghĩa tiêu cực trong dịp Tết Nguyên đán. Tránh nói những từ liên quan đến cái chết, bệnh tật, nghèo đói, ma quỷ… Mọi người thay thế chúng bằng uyển ngữ nếu họ cần nói về những chủ đề như vậy, ví dụ như nói “ai đó đã mất” hoặc “ai đó đã qua đời” thay cho từ “chết”.
1.9 Kiêng quan hệ nam nữ đầu năm
Mùng một và kể cả ngày rằm đều là những ngày mà người phương Đông kiêng quan hệ vì quan niệm rằng trai gái không nên gần gũi nhau vì nó mang đến vận hạn kém may mắn cho mình.
1.10 Không đi chúc Tết sáng mùng 1
Chào Tết vào sáng mùng 1 là điều kiêng kỵ dịp Tết vì sợ sẽ xông đất gia đình người khác. Vì xông đất theo quan niệm cha ông là rất quan trọng, ảnh hưởng đến cả năm của gia chủ.
Nếu mình có tuổi vận không hợp với gia chủ điều đó sẽ ảnh hưởng đến tiền tài, khiến gia đình người khác không được may mắn trong năm mới.
2. Những món ăn nên kiêng vào ngày Tết
Việc kiêng kỵ những việc làm trong ngày tết sẽ khiến chúng ta cảm thấy an tâm và phần nào tránh được tai ương. Đặc biệt, trong dịp Tết Nguyên đán, ngoài việc kiêng kỵ trong hành động, trang phục… thực phẩm cũng cần được chú ý kiêng kỵ như:
- Mực: Nguyên do là điều này xuất phát từ “đen như mực” vì thế đầu năm bạn không nên tặng mực hoặc ăn mực
- Trứng vịt lộn: Trứng vịt lộn là một món ăn dinh dưỡng nhưng người miền Bắc và Trung thường kiêng ăn trứng vịt lộn trong những ngày đầu năm. Vì theo dân gian, ăn vịt lộn vào những ngày này sẽ biến may mắn thành xui xẻo, đảo lộn cuộc sống.
- Thịt chó: Đa số người dân Việt đều kiêng ăn thịt chó chẳng những thường ngày mà cả đầu năm nữa. Người ta cho rằng nếu ăn thịt chó đầu năm thì sẽ gặp phải nhiều vận đen vì vậy thịt chó được xem như là món ăn phải kiêng vào những ngày Tết.
- Thịt vịt: cũng là món thường được người dân kiêng ăn trong những ngày đầu năm mới. Người ta cho rằng, ăn thịt vịt sẽ đen đủi, “tan đàn, xẻ nghé”. Thay vì sử dụng thịt vịt, người ta dùng thịt gà với ý nghĩa cát tường hơn.
Xem thêm: Lễ vật cúng sao giải hạn gồm những gì?
Những điều kiêng kỵ trong 3 ngày đầu năm là một phần văn hóa truyền thống của người Việt Nam. Việc tuân theo những điều kiêng kỵ này thể hiện sự tôn trọng đối với phong tục tập quán và niềm tin dân gian. Tuy nhiên, mỗi người cũng cần có sự nhìn nhận khách quan và tư duy cởi mở để đón Tết một cách vui vẻ, thoải mái và ý nghĩa nhất.