Cúng dường là một hoạt động quan trọng đời sống tâm linh của các Phật tử. Tuy nhiên, còn nhiều người vẫn có thể chưa hiểu đầy đủ về cúng dường và những lưu ý khi thực hiện nghi thức này. Vậy hãy cùng nhau tìm về “Cúng dường là gì? Những điều cần biết về cúng dường trong Phật giáo” trong bài viết dưới đây.

1. Cúng dường là gì?

Cúng dường là hình thức công đức các lễ vật như thức ăn, hoa, hương, nhang, đèn, kinh sách, giáo thuyết,… dâng lên các chư Phật, chư Bồ Tát để tỏ lòng biết ơn. Theo lý giải Hán Việt, cúng dường được hiểu là cung cấp và cúng dưỡng. Hiểu theo nghĩa đen, cúng dường là biếu tặng hoặc cho đi.

Trong Phật giáo, cúng dường được gọi đầy đủ là cúng dường Tam Bảo. Nghĩa là dâng lên các bậc tu hành những vật phẩm phù hợp, hành động này phải xuất hiện từ tâm thiện lành và lòng thành kính, hành động này được xem là phương pháp tu tập dành cho đệ tử Phật môn. Mục đích của việc cúng dường là gia tăng phước báu của bản thân và có được công đức vô lượng. Đồng thời, cúng dường còn được xem là phương thuốc chữa bệnh, giúp con người thoát khỏi lòng tham và thói xấu.

Cúng dường là hình thức công đức các lễ vật
Cúng dường là hình thức công đức các lễ vật

2. Ý nghĩa của cúng dường Tam Bảo

Việc cúng dường cũng là một cách tu tập dành cho các đệ tử Phật môn vì mang lại nhiều ý nghĩa trong đời sống hàng ngày và đời sống tâm linh như:

  • Cúng dường Tam Bảo là hành động dùng để tưởng nhớ công ơn của Phật – Pháp – Tăng: Những người con của Phật cần phải nhớ ơn công đức vô lượng của Phật – Pháp – Tăng. Phật chính là người tìm ra con đường giác ngộ cho chúng sanh, Pháp là các giáo lý của Phật giáo được truyền muôn đời, Tăng là người có vai trò giữ gìn và lưu truyền lý lẽ Phật giáo đến với đời sau. Nhờ có giáo lý mà Đức Phật để lại mà các đệ tử của Ngài mới biết được đâu là chân lý và con đường tu hành đúng đắn, giúp bản thân thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi vô hạn.
  • Thanh lọc tâm hồn: Có ba loại nghiệp mà con người luôn mắc phải đó là tham, sân và si. Mà tham là nghiệp nặng nhất bởi lòng tham luôn khiến con người bất chấp mọi thủ đoạn để giành lấy thứ mình muốn. Cúng dường khiến con người dẹp bỏ lòng tham, biết cho đi và cởi mở tấm lòng mình hơn. Như lời Phật dạy, vạn vật trên thế gian đều có nhân quả tuần hoàn, đều có cho đi và nhận lại. Cúng dường là một trong những đạo lý cho đi và nhận lại trong đạo Phật. Trong kinh tăng chi bộ, có ba phần thuộc về người bố thí: “ Một là trước khi bố thí, ý được vui lòng. Hai là trong khi bố thí, tâm được tịnh tín. Ba là sau khi bố thí, cảm thấy hoan hỷ“.
  • Gia tăng phước báu và có được công đức vô lượng: Việc cúng dường giúp chúng sinh tích được nhiều phước báu cho bản thân và tăng công đức cho gia đình, người thân trong kiếp này và được khi mất đi sẽ được tái sinh vào cõi tốt đẹp khác, tránh bị tái sinh vào những cõi khổ đau.
  • Giúp đóng góp vào việc xây dựng cơ sở vật chất, tu sửa chùa chiền và nơi ăn ở của các chư Tăng: Đây là ý nghĩa thực tiễn của cúng dường giúp đóng góp một phần công sức của các tín đồ vào việc xây dựng, tu sửa chùa tháp, cung cấp nhu yếu phẩm cho các Chư Tăng.
    Cúng dường Tam Bảo
    Cúng dường Tam Bảo

Cúng dường khác với bố thí. Bố thí là cung cấp vật phẩm cho người khó khăn hơn, cúng dường là cung cấp vật phẩm với những người bề trên hoặc Tam Bảo. Nhiều người hiểu sai ý nghĩa về hành động cúng dường nên đã mang tiền lẻ đi rải ở nhiều nơi trong khuôn viên chùa và đặt lên bàn thờ cúng Phật. Tuy nhiên, tiền là vật bất định, việc đặt tiền lên bàn thờ Phật sẽ được xem là hành động bất kính. Thông thường, Phật từ bi sẽ không quở trách nhưng các vị Hộ pháp sẽ quở trách.

3. Các hình thức cúng dường Tam Bảo

3.1 Cúng dường Phật Bảo

Cúng dường Phật Bảo vẫn được diễn ra hàng ngày nhằm mục đích thể hiện lòng biết ơn và tôn đính của Phật tử đến với Đức Phật, giúp Ngài sống mãi trong tâm của mỗi người. Việc cúng dường Phật bảo không cần quá xa hoa hay tốn kém mà chỉ đơn giản là các loại đồ ăn và nước uống mà Đức Phật sử dụng khi còn tại thế. Một số vật phẩm cúng được sử dụng phổ biến là hoa tươi, trái cây, hương thơm, nước trong, đèn sáng và cơm trắng. Không bày biện cúng linh đình để tránh hoang phí.

Năm món được xem là quý nhất trong cúng dường Phật là giới hương, định hương, huệ hương, giải thoát hương và giải thoát tri kiến hương. Cụ thể là:

  • Giới hương: Không phạm 5 giới cấm
  • Định hương: Duy trì tâm thanh tịnh và lắng đọng.
  • Tuệ hương: Không làm điều ác và biết thương người
  • Giải thoát hương: Không nghĩ ác và thiện, luôn tự do tự tại
  • Giải thoát tri kiến hương: Học rộng và hiểu nhiều, thấu đáo giáo lý Phật.

3.2 Cúng dường Pháp Bảo

Cúng dường Pháp Bảo chính là cách mà con người giúp cho các giáo lý của Nhà Phật được lưu truyền rộng rãi, trở nên phổ biến và linh thiêng hơn. Cúng dường Pháp bảo cần phải có kiến thức và am hiểu về các lý luận của Đức Phật. Người có thành tâm cúng dường nên học hỏi và nghiên cứu giáo pháp của Phật và thực hành chúng. Đồng thời, nên thực hiện các điều sau:

  • Chia sẻ và giảng giải lý luận Phật giáo cho mọi người xung quanh giúp Phật giáo có thể lan truyền đến những người chưa hiểu.
  • Học tập và làm theo những lời Phật dạy giúp bản thân ngày càng tốt hơn, mang đến cái nhìn tốt đẹp về Phật giáo cho mọi người xung quanh.
  • Những người có kinh tế tốt có thể in ấn kinh điển Phật để lưu truyền đến chúng sanh. Người có trình độ có thể giảng giải giáo pháp và giáo lý, phiên dịch giáo pháp từ ngoại ngữ sang tiếng Việt,…

3.3 Cúng dường Tăng Bảo

Chư Tăng chính là người tiếp bước Đức Phật truyền giải giáo pháp đến với chúng sanh, giúp giáo lý Phật giáo không bị mai một. Vì thế, chúng ta cũng nên tiến hành cúng dường Chư Tăng với lòng thành kính và trân trọng. Quý Phật tử có thể tiến hành cúng dường Tăng bảo bằng cách cung cấp Tứ Sự cúng dường cho chư Tăng. Tứ Sự cúng dường chính là các vật phẩm cần thiết hàng ngày như thuốc, thức ăn, y phục giường,… Ngày nay, Phật tử cũng có thể dâng cúng các phương tiện di chuyển để phục vụ cho nhu cầu phụng sự và hành đạo của các nhà sư.

4. Hướng dẫn chuẩn bị cúng dường tại nhà

Cách thực hiện rất đơn giản, chúng ta chỉ cần lập bàn thờ và tiến hành cúng đơn giản. Việc cúng dường chủ yếu cần phải xuất phát từ lòng thành kính, có gì thì cúng đấy, không cần phải chuẩn bị quá nhiều lễ vật hay dâng cúng nhiều đồ vật sang trọng. 

4.1 Lễ vật cần chuẩn bị để cúng dường

Vật phẩm cúng dường phải đảm bảo chay tịnh, không phải là đồ giả hay đồ hư hỏng ôi thiu. Đồng thời, vật phẩm cúng dường cũng không được dính đồ mặn như mỡ động vật, thịt cá,… Phật tử có bao nhiêu thì cúng dường bấy nhiêu, chỉ cần có lòng thành là được. Tuyệt đối không dùng đồ trộm cắp hoặc đồ tham ô để cúng dường. Dưới đây là một số vật phẩm cúng dường mang nhiều ý nghĩa nhất bạn có thể tham khảo:

  • Ly nước trong: Đây là vật phẩm quan trọng và bắt buộc phải có khi cúng dường. Nước trong biểu thị cho tâm hồn trong sáng và thanh tịnh, không vướng bụi trần. Ly nước này như là lời nhắc nhở Phật Tử, cần phải nhớ đến chính bản thân mình. Nên cúng dường 3 ly nước để tượng trưng cho 3 ngôi là Tam Bảo.
  • Hoa sen: Hoa sen là loại hoa quen thuộc và gần gũi với mọi Phật tử, hình ảnh hoa sen luôn xuất hiện trong các lễ nghi Phật giáo. Trong Phật giáo, hoa sen tượng trưng cho sự tinh khiết và trong sáng, mặc dù sống trong vùng đầm lầy hôi tanh nhưng hoa lại có hương thơm không gì sánh được. Ngoài ra, hoa sen còn ám chỉ sự nỗ lực, thức tỉnh và giải thoát con người.
  • Đèn dầu: Trong Phật giáo, đèn dầu là hình ảnh biểu trưng cho sức mạnh trí tuệ sáng suốt. Đèn dầu sẽ soi sáng tâm hồn mỗi người và dẫn dắt họ đến với những điều tốt đẹp. Ngoài ra, đèn dầu còn có ý nghĩa giác ngộ và thức tỉnh Tinh quang, xóa đi những điều xấu xa và một lòng hướng thiện.
  • Hương: Trong Phật giáo, hương là hình ảnh tượng trưng cho thế giới yên bình và tịnh tuệ. Mùi hương lan tỏa giúp con người có cảm giác thanh tịnh, hỗ trợ việc tu tập giác ngộ và giúp tâm hướng đến việc thiện.
  • Một số vật phẩm khác: Ngoài những lễ vật cần thiết phải có khi cúng dường là gì, bạn cũng có thể dùng thêm các vật phẩm khác nếu có điều kiện. Những đồ vật đó có thể là trái cây, bánh, thức ăn chay, đèn sáp, những loại hoa khác,… Tất cả chỉ cần tinh sạch là có thể dâng cúng dường lên Đức Phật.
    Vật phẩm cúng dường phải đảm bảo chay tịnh, không phải là đồ giả hay đồ hư hỏng ôi thiu
    Vật phẩm cúng dường phải đảm bảo chay tịnh, không phải là đồ giả hay đồ hư hỏng ôi thiu

4.2 Nghi thức cúng dường tại tư gia hoặc tịnh xá

Việc cúng dường được tổ chức tại Chùa, tại nhà hoặc tại nhiều địa điểm, khu vực trong cùng một buổi lễ. Ở phái Nam Tông việc cúng dường Tăng bảo phổ biến ở hình thức khất thực, tức là các chư Tăng sẽ di chuyển nhiều nơi để nhận tấm lòng thành của các Phật tử. Dưới đây là quy trình cúng dường tại tư gia hoặc tịnh xá:

DÂNG HƯƠNG

Khói hương xông thấu mấy tầng xanh

Rốt ráo tâm con bổn nguyện lành

Trên khói hương này xin Phật ngự

Chứng minh đệ tử tấc lòng thành. O

LỄ PHẬT

Kính lạy Phật từ bi cứu thế

Đem đạo lành phổ tế chúng sanh

Trần gian biết nẻo tu hành

Nhờ đèn trí huệ quang minh soi đường. O

LỄ PHÁP

Kính lạy Pháp là phương giải thoát

Gốc chơn truyền Y Bát từ xưa

Pháp tu chứng đắc kịp giờ

Độ người qua đến bến bờ bên kia. O

LỄ TĂNG

Kính lạy Tăng nghiêm trì giới luật

Hạnh Tăng vô nhất vật thanh bần

Tự mình giác ngộ lý chân

Giúp người giác ngộ chuyên cần công tu. O

CÚNG DƯỜNG TAM BẢO

Kính lạy Phật, Pháp, Tăng Tam Bảo

Chứng lòng con hiếu thảo cúng dường,

Của này vốn của thiện lương

Chúng con tạo sắm bằng phương pháp lành,

Nay phát nguyện lòng thành dâng cúng

Xin ơn trên hưởng dụng chứng minh.

Nguyện cầu cho cả chúng sanh

Nhất là quyến thuộc gia đình chúng con

Kẻ hiện tại vẹn tròn quả phước

Người thác rồi lại được siêu sinh

Ngưỡng nhờ Phật pháp oai linh

Ơn dày Tam Bảo phước lành ban ra. O

HỒI HƯỚNG CẦU NGUYỆN

Làm xong được chút phước lành

Con xin hồi hướng chúng sanh hưởng nhờ.

Mênh mông biển khổ không bờ

Trần gian chìm đắm mịt mờ tối đen,

Bỗng đâu núi báu hiện lên

Tháp vàng rực rỡ vượt trên cao vời,

Cơ duyên Chánh pháp ra đời

Lối tu tối thượng độ người trầm mê,

Tinh thần nẻo thẳng cao xuê

Mà đường vật chất thấp nê bùn lầy,

Càng buông bỏ dưới chân này

Ấy là chỗ đứng càng ngày càng cao,

Nhiều người chung sức với nhau

Công phu tứ chúng góp vào điểm tô

Đạo vàng cao quý bày phô

Cũng vì lợi ích chung cho thế trần,

Hôm nay con mới góp phần

Nguyện xin tất cả xa gần hưởng chung,

Mỗi người học đạo tỏ thông

Chư Tăng Khất sĩ ra công thuyết bài,

Cầu xin Giáo pháp hoằng khai

Được thường tỏ sáng lại hay thơm lành,

Nguyện cho đạo đức thạnh hành

Cảnh đời Đông độ đổi thành Tây phương… O

Nam-mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. O (3 lần)

Tuy nhiên, Phật giáo cũng không có những nghi thức cụ thể về việc tổ chức cúng dường. Chính vì thể, nhiều trường hợp việc cúng dường được thực hiện chưa đúng với mục đích của Đạo Phật, nhiều người lợi dụng lòng tin của Phật tử thực hiện việc cúng dường vừa trái với quy định định Phật giáo vừa trái với đạo đức. Vậy nên mỗi Chư Tăng và mỗi Phật tử cần phải hiểu rõ giáo lý nhà Phật để tránh làm trái mục đích, ý nghĩa của việc cúng dường công đức.

Xem thêm: Long Ly Quy Phụng là gì? Ý nghĩa phong thủy của Tứ Linh trong phong thủy

Cúng dường không chỉ đơn giản là một nghi thức trong Phật giáo mà con là một phương thức để chúng ta thanh lọc tâm hồn, vun đắp những giá trị cốt lõi tốt đẹp cho đời sống hiện tại và đời sống tâm linh. Hy vọng bài viết trên đã giúp quý vị hiểu hơn về cúng dường và ý nghĩa cao cả mà cúng dường mang lại. Nếu có cơ hội thì các gia chủ nên thực hiện cúng dường Tam Bảo để tạo phước báu cho bản thân và gia đình.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *