Ngày 7/7 âm lịch là ngày lễ Thất Tịch. Chắc hẳn chúng ta ai cũng đã ít nhất một lần nghe đến lễ Thất Tịch. Nhưng liệu rằng bạn có biết về nguồn gốc và ý nghĩa của ngày lễ Thất Tịch là gì chưa? Bài viết này giúp bạn giải đáp những thắc mắc đó và gợi ý cho bạn những phong tục thường được làm trong ngày Thất Tịch để ngày lễ này thêm phần ý nghĩa hơn. Hãy cùng nhau tìm hiểu ngay nhé.
Danh Mục
1. Ngày 7/7 âm lịch là ngày gì?
Ngày lễ Thất tịch diễn ra vào ngày 7 tháng 7 âm lịch hàng năm tại là một ngày lễ truyền thống tại một số nước Đông Nam Á như: Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản,… Đây được coi là ngày lễ tình nhân của các nước phương Đông vì gắn liền với sự tích Ngưu Lang và Chức Nữ. Tại Việt Nam, ngày lễ Thất Tịch còn được gọi là Tết ngâu hay ngày ông Ngâu bà Ngâu vì vào ngày này ở Việt Nam thường sẽ xuất hiện mưa ngâu và nhiều người cho rằng đây chính là những giọt nước mắt hạnh phúc của Ngưu Lang và Chức Nữ khi họ được gặp lại nhau. Lễ Thất Tịch năm 2024 diễn ra vào ngày Thứ Bảy, ngày 10 tháng 8 năm 2024 Dương Lịch (tức ngày 7/7 âm lịch)
2. Nguồn gốc và ý nghĩa của ngày lễ Thất Tịch
Hầu hết các nước Đông Á đều có ngày lễ Thất Tịch. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu về nguồn gốc và ý nghĩa lễ Thất Tịch của một số quốc gia để thấy được điểm tương đồng và khác biệt của mỗi nước trong ngày lễ này.
2.1 Nguồn gốc và ý nghĩa lễ Thất Tịch tại Việt Nam
Ngày lễ Thất Tịch bắt nguồn từ câu chuyện tình yêu của chàng Ngưu Lang và Chức Nữ. Câu chuyện cổ tích Ngưu Lang – Chức Nữ (chữ Hán: 牛郎織女), còn có tên gọi khác theo ngôn ngữ Việt Nam là Ông Ngâu Bà Ngâu – câu chuyện khá nổi tiếng bắt nguồn từ Trung Quốc, về sau câu chuyện này được kể lại với nhiều dị bản khác nhau.
Theo phiên bản ở Việt Nam: Truyền thuyết kể rằng: Ngưu Lang chính là chàng trai được Ngọc Hoàng giao cho nhiệm vụ chăn giữ trâu trên Trời, ngoài chăn trâu giỏi chàng còn có tài nghệ thổi sáo rất hay. Còn Chức Nữ là cô nàng đảm đương về dệt vải, trong một lần tình cờ hai người đã đem lòng yêu thương nhau.
Ngưu Lang đã say mê Chức Nữ vì tính tình hiền dịu, đảm đang nên đã bỏ quên công việc chăn Trâu của mình, về phía Chức Nữ cũng vì mê tiếng sáo của chàng cũng đã lơ là dệt vải. Ngọc Hoàng tức giận nên đã ngăn cản họ gặp nhau bằng cách cho người ở đầu sông người ở cuối sông Ngân Hà, nhưng trải qua thời gian họ vẫn một lòng chung thuỷ yêu thương nhau.
Ngọc Hoàng đã cảm động trước tình yêu thương của họ nên đã ban lệnh cho hai người gặp nhau mỗi năm một lần vào ngày 7/7 âm lịch hằng năm và hạ lệnh cho đàn quạ phải họp lại với nhau để làm thành cây cầu bắc qua sông Ngân Hà để giúp cho Ngưu Lang và Chức Nữ gặp nhau, đàn quạ có màu đen nên cầu được đặt tên là Cầu Ô Thước.
Cái tên gọi ông Ngâu bà Ngâu chính là vì khi Ngưu Lang Chức Nữ được gặp nhau, họ đã khóc vì hạnh phúc và những giọt nước mắt này hóa thành mưa và được trần gian gọi là mưa ngâu và người dân biết đây là lúc Ngưu Lang và Chức Nữ được gặp lại nhau nên đã đặt tên cho hai người này là ông Ngâu và bà Ngâu.
Và từ đó, mỗi năm đến ngày 7 tháng 7 thì mọi người đều nhớ đến tình yêu thương chung thuỷ, sắt son của Chức Nữ Ngưu Lang nên đã cho đây là ngày thể hiện cho tình yêu đôi lứa hay ngày Thất Tịch đối với người phương Đông.
Lễ Thất Tịch chỉ là ngày để tượng trưng cho tình yêu đôi lứa mà còn là ngày cầu phúc bình an, con đàn cháu đống,…
2.2 Nguồn gốc và ý nghĩa lễ Thất Tịch tại một số nước khác
- Trung Quốc: Ngày lễ Thất Tịch được bắt nguồn từ Trung Quốc nên đây là một ngày lễ quan trọng ở đất nước này. Lễ Thất Tịch còn được coi là ngày lễ tình nhân ở Trung Quốc, theo người Trung Quốc còn có tên gọi khác như Lễ hội Trùng Thất, Khất Xảo Tiết (Lễ hội để thể hiện tài năng), ngày Thất Thư Đản (Sinh nhật của người chị thứ bảy), ngày Xảo Tịch (Ngày mà đôi nam nữ tặng nhau những chuỗi hạt Hồng Đậu tượng trưng cho tình yêu vĩnh cửu). Mỗi năm, đến ngày lễ Thất Tịch các cô gái Trung Hoa chưa chồng đều cầu nguyện cho mình có được đôi tay khéo léo, đảm đang mọi việc nữ công gia chánh và quan trọng nhất chính là biết dệt vải, thêu thùa may vá. Nhưng cũng có một số người lại cầu cho mình sau này được có được một người chồng, tình yêu của họ đẹp và chung thuỷ một mực như câu chuyện của Ngưu Lang và Chức Nữ.
- Nhật Bản: Ngày Thất Tịch ở Nhật Bản chỉ là kỷ niệm ngày gặp gỡ giữa Orihime (Chức Cơ) tức là sao Chức Nữ và Hikoboshi (Ngạn Tinh) tức sao Ngưu Lang và còn được gọi là lễ Tanabata. Vào ngày này, người Nhật ngoài việc được đền thờ cầu tình duyên thì họ còn thường trang trí cho cành trúc trước nhà và viết những ước muốn của mình vào những mảnh giấy sau đó dán lên cành trúc và ước cho mình có được đôi tay khéo léo, mùa màng thì được bội thu.
- Hàn Quốc: Ở Hàn Quốc, vào ngày Lễ Thất Tịch thì các hoạt động cũng như ý nghĩa của ngày lễ có phần khác so với các nước khác. Ngày Thất Tịch với người Hàn còn gọi là lễ Chilseok ý nghĩa mong muốn có được sức khỏe tốt, mùa màng phát triển mạnh vì lễ Chilseok được diễn ra vào mùa mưa là thời điểm chấm dứt của thời tiết khắc nghiệt nắng nóng.Vào ngày Chilseok người Hàn thường tắm mưa để cầu sức khoẻ và mưa xuống thì cây trái được tươi tốt hơn thế nên các loại rau củ như bí ngô, dưa chuột,… được sử dụng khá nhiều.
3. Phong tục của các nước trong ngày lễ Thất Tịch
3.1 Phong tục ngày lễ Thất Tịch tại Việt Nam
Vào ngày lễ Thất Tịch, các bạn trẻ Việt Nam thường đến chùa làm lễ cầu duyên. Những cặp đôi có thể cầu nguyện cho tình yêu thêm bền chặt, những bạn còn độc thân thì cầu đường tình duyên gặp thuận lợi, may mắn.
Bên cạnh đó, mọi người thường truyền tai nhau vào ngày Thất Tịch ăn chè đậu đỏ sẽ “thoát ế”. Theo quan niệm của người xưa thì việc ăn đậu đỏ vào ngày Thất Tịch cũng cùng nghĩa với việc cầu duyên, màu đỏ tượng trưng cho may mắn nên khi ăn đậu đỏ sẽ tin rằng nếu ai còn độc thân thì sẽ tìm được ý chung nhân còn ai đang yêu thì sẽ mãi mãi bên nhau. Vì thế mà món chè đậu đỏ được khá nhiều người ăn vào ngày lễ này.
Ngoài ra, thả đèn lồng cùng người thương cũng là việc không thể thiếu vào ngày lễ Thất Tịch. Những chiếc đèn lồng đại diện cho những ước mong của các đôi trai gái cho một tổ ấm lâu dài.
3.2 Phong tục ngày lễ Thất Tịch tại một số nước khác
Trung Quốc: Vào ngày lễ Thất Tịch người Trung Quốc có rất nhiều phong tục thú vị, dưới đây là một số phong tục phổ biến:
- Bái chức nữ: Hàng năm, vào tối ngày Lễ Thất Tịch Trung Quốc, các cô gái sẽ mời người thân bạn bè của mình cùng làm lễ. Bàn tế lễ bao gồm một bình hoa tươi có buộc chỉ đỏ, lưu hương, hoa quả, ngũ tử (quế, táo đỏ, hạt dưa, lạc, bàng tử), trà, rượu. Các cô gái đứng trước bàn, vừa ăn ngũ tử, vừa ngắm sao Chức Nữ và ước nguyện những điều mình muốn.
- Xâu kim, thêu thùa: Ý nghĩa của Lễ Thất Tịch Trung Quốc là tưởng nhớ vị tiên nữ thứ 7 Chức Nữ, người có công phát hiện ra tơ tằm và truyền dạy nghề thêu thùa dệt vải. Bởi vậy, vào ngày lễ đặc biệt này, các cô gái sẽ tổ chức xâu kim, thêu thùa để cầu tiên nữ ban cho đôi bàn tay khéo léo, thuần thục nữ công gia chánh. Vào tối mùng 7 tháng 7, các cô gái sẽ cùng ngồi thi tài dưới ánh trăng, thi xem ai khéo léo luồn được chỉ qua kim 7 lỗ, kim 9 lỗ.
- Thả cây kim vào chén nước: Bên cạnh đó còn có một tập tục khá hay ho khác, đó là các cô gái sẽ thả kim trên mặt nước. Cây kim không bị chìm xuống nước và bóng kim có dạng như mây như hoa, mỏng như sợi chỉ thì cô gái đó sẽ được chọn là người khéo léo nhất.Không những thế, người Trung Quốc xưa cho rằng kim thể hiện cho sự thông minh, nên ai thả vào nước mà kim được nổi đồng nghĩa với ước muốn có được trí thông minh.
Nhật Bản: Vào lễ Thất tịch, người Nhật Bản sẽ viết ước nguyện của mình lên những mảnh giấy ngũ sắc hình chữ nhật (tanzaku) và treo lên cành tre, có lúc kèm theo những đồ trang trí. Những mảnh giấy sẽ có nhiều màu như: màu xanh lục, hồng, vàng, trắng và đen.
Sau khi lễ hội kết thúc, những cây tre treo những mảnh giấy điều ước này sẽ được gỡ xuống, đưa lên thuyền thả trôi trên sông hoặc đem đi đốt. Giới trẻ Nhật Bản cũng đến thăm đền thờ trong lễ Tanabata và mong sớm tìm được nửa kia.
Hàn Quốc: Trong lễ hội Thất Tịch (Chilseok), người Hàn Quốc ngoài việc tắm dưới mưa thì họ còn ăn mì và bánh nướng và các món ăn làm từ lúa mì vì thời điểm này thì chất lượng của lúa mì rất thơm ngon. Nếu không thì qua thời gian của lễ Chilseok thì ở Hàn Quốc sẽ là những cơn gió lạnh chính vì thế hương vị của lúa mì sẽ bị cơn gió này làm hỏng.
4. Những kiêng kỵ trong ngày lễ Thất Tịch
Đối với các nước phương Đông, ngày lễ Thất Tịch là ngày ngày tượng trưng cho tình yêu đôi lứa. Chính vì thế có một số điều không nên làm trong ngày để tránh gặp những xui xẻo ảnh hưởng đến tình duyên như:
- Không tổ chức đám hỏi, đám cưới: Ngày lễ Thất tịch bắt nguồn từ sự tích Ngưu Lang – Chức Nữ chỉ được gặp nhau vào ngày 7/7 âm lịch, đoàn tụ chưa được bao lâu đã phải xa cách, mang theo nhiều nhung nhớ, đợi chờ. Vì vậy, nhiều người quan niệm rằng ngày Thất tịch không may mắn để tổ chức đám hỏi, đám cưới.
- Không xây nhà, mua xe: Ngày lễ Thất tịch thường có mưa ngâu, gây khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ thi công nhà cửa. Ngoài ra, theo quan niệm dân gian, tháng 7 âm lịch còn là tháng cô hồn, thời điểm ma quỷ được thả tự do, đến nhân gian quấy phá. Do đó, nhiều người sẽ kiêng làm những việc trọng đại, bỏ ra một số tiền lớn như xây nhà, mua xe.
- Không làm những việc xấu: Không làm những việc xấu gây hại cho mọi người là việc mà ai cũng nên làm không chỉ riêng vào ngày Thất tịch. Tuy nhiên, vào ngày này bạn nên đặc biệt chú ý đến hành động của mình, không làm những điều xấu để tích đức, giúp cầu bình an, may mắn cho bản thân và gia đình. Ngoài ra, theo dân gian, tránh làm những điều xấu xa trong ngày này cũng sẽ giúp con đường tình duyên của bạn may mắn, thuận lợi hơn.
Lễ Thất Tịch không chỉ là một ngày lễ truyền thống mà còn ẩn chứa câu chuyện tình yêu lãng mạn. Trên đây là toàn bộ những thông tin giải đáp cho thắc mắc “Ngày 7/7 âm lịch là ngày gì? Nguồn gốc và ý nghĩa của lễ Thất Tịch”. Lễ Thất Tịch 2024 cũng sắp đến rồi, hãy nhân dịp này để cùng người thương thực hiện những phong tục truyền thống để ngày lễ thêm phần ý nghĩa. Đặc biệt, các bạn còn độc thân cũng đừng bỏ lỡ cơ hội để ăn chè đậu đỏ để “thoát ế” nhé!