Trong phong tục tang ma của người Việt có rất nhiều hình thức để an táng người mất, tuy nhiên phổ biến nhất trong đó là địa táng. Khi thực hiện hình thức an táng này gia chủ cần phải thực hiện nhiều nghi thức để bày tỏ sự trang trọng, lòng thành kính đối với người đã khuất cũng để linh hồn của họ được an tâm yên nghỉ. Trong bài viết này, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về thủ tục chôn cất người chết ở Việt Nam một cách đầy đủ và chi tiết nhất.

1. Thủ tục chôn cất người chết ở Việt Nam

Thủ tục chôn cất người chết hay mai táng, thổ táng,địa táng là hình thức xử lý xác chết bằng việc đặt thi thể người và những đồ dùng của người mất vào trong một chiếc quan tài có hình dạng chữ nhật, hình vòm hoặc thậm chí là hình thuyền, tuỳ thuộc vào từng vùng miền cụ thể rồi mang chôn xuống dưới đất. Trong quá trình chôn cất, gia đình và người thân sẽ thực hiện các nghi lễ. Sau khi đưa quan tài xuống huyệt mộ vào đúng thời gian quy định, người cả trong gia đình sẽ là người đầu tiên lấp đất vào huyệt mộ. Sau khi lấp đầy và kín bao phủ hết quan tài, những con cháu khác sẽ tiếp tục thực hiện phong tục chôn cất người chết này cho đến khi hoàn thành.

Thủ tục chôn cất người chết ở Việt Nam

2. Các nghi thức trong thủ tục chôn cất người chết

2.1 Lễ mộc dục

Lễ mộc dục là nghi thức tắm gội cho thi hài người mất. Lúc tắm gội cho người vừa chết thường vừa để sẵn một con dao nhỏ, một chiếc khăn, một cái lược, một cái thìa, một ít đất ở ông đồ rau, một nồi nước ngũ vị hương và một nồi nước nóng khác.

Lúc thực hiện lễ mộc dục cần phải quây màn cho kín, tang chủ quỳ xuống khóc, người hộ việc cũng quỳ rồi cáo từ rằng; “nay xin tắm gội để sạch bụi trần”, xong phục xuống, đứng dậy. Cha thì con trai vào tắm, mẹ thì con gái vào tắm. Lấy khăn dấp vào ngũ vị rồi lần lượt lau mặt, lau mình cho sạch rồi lấy lược chải tóc lấy sợi vải buộc tóc, lấy khăn khác lau hai tay hai chân, lại lấy dao cắt móng tay móng chân,mặc quần áo cho chỉnh. Móng tay móng chân gói lại trên để trên, dưới để dưới, để vào trong quan tài; dao, lược thìa và nước đem đi chôn; rước thi thể đặt lên giường.

Lễ mộc dục là nghi thức tắm gội cho thi hài người mất

2.2  Sau lễ mộc dục thời gian chưa nhập quan:

Sau lễ mộc dục cần đắp chăn hoặc chiếu, buông màn, đặt một chiếc ghế con phía trên đầu, trên đó đặt một bát cơm úp, một quả trứng, dựng một đôi đũa trên bát cơm và thắp hương. Có địa phương còn có tục để thêm một con dao trên bụng (để trừ tà ma hay quỷ nhập tràng).

2.3 Lễ phạn hàm

Lễ phạn hàm là nghi thức theo tục xưa, bỏ gạo và tiền vào miệng tránh tà ma ác quỷ đến cướp đoạt, để tiễn vong hồn đi đường xa được siêu thoát. Lễ này ngày nay nhiều nơi đã bỏ, có nơi thay thế bằng may một cái túi, trong túi đựng một ít tiền gạo và một vài đồ lặt vặt mà khi sống, người đó hay dùng đến.

Theo “Thọ mai gia lễ”, lễ này được tiến hành như sau:

Lấy ít gạo nếp xát cho sạch, ba đồng tiền mài cho sáng (nhà giàu thì dùng vàng hoặc viên ngọc trai).

Tang chủ vào khóc quỳ, người chấp sự cũng quỳ, cáo từ rằng: ” Nay xin phạn hàm, phục duy hâm nạp”. Người chấp sự lần lượt xướng “Sơ phạn hàm, tái phạn hàm, tam phạn hàm”. Tang chủ ba lần, mỗi lần xúc một ít gạo và một đồng tiền tra vào mồm bên phải, rồi đến bên trái, cuối cùng vào giữa. Xong, bóp mồm lại, phủ mặt như cũ.

2.4 Lễ khâm liệm nhập quan

Khi làm lễ khâm liệm nhập quan các con sẽ đứng đầy đủ bên cạnh quan tài, con trai bên trái, con gái bên phải. Người chấp sự xướng. Tự lập (đứng gần vào), cử ai (khóc cả lên), quỳ. Chấp sự cũng quỳ mà cáo từ rằng “Nay được giờ lành, xin rước nhập quan”. “Cẩn cáo” xong lại xướng: phủ phục (lễ xuống), hưng (dậy), bình thân (đứng thẳng).

Sau đó các con cháu tránh ra hai bên, người giúp việc quay và đều cầm tạ quan nâng lên để đưa người vào cho êm ái, đặt cho chính giữa quan tài, nếu có hở chỗ nào cần lấy áo cũ của người vừa mất bổ khuyết cho đầy đủ, rồi gấp dưới lên đầu trước, bên trái gấp trước, bên phải gấp sau, trên đầu gấp sau cùng, sơn nẹp đóng lại.

Chú ý: Những quần áo của người đang sống, hoặc quần áo mà người đang sống có mặc chung thì kiêng không được bỏ vào áo quan.

Đồ khâm liệm: Nhà giàu dùng vóc nhiễu, tơ, lụa; nhà thường dùng vải trắng may làm đại liệm (1 mảnh dọc, 5 mảnh ngang) hoặc tiểu liệm (1 mảnh dọc 3 mảnh ngang). Ngày trước, quy định đại liệm hay tiểu liệm vì khổ vải nhỏ. Ngày nay, dùng vải khổ rộng, miễn kín chân, tay, đầu, gót là được. Mọi việc xong thì sơn gắn quan tài cho cẩn thận và đặt chính giữa nhà hoặc nơi tổ chức tang lễ.

Lễ khâm liệm nhập quan

2.5 Lễ thiết linh (Sau khi nhập quan)

Lễ thiết linh là lễ thiết lập linh vị, đặt bàn thờ tang. Khi chưa chôn cất thì lấy lễ thờ người sống mà lễ, nên mỗi lần lạy chỉ lạy hai lạy, trong linh vị và khăn vấn dùng chữ “Cố phụ”, “Cố mẫu” thay cho “Hiền thảo”, “Hiền tỷ”.

2.6 Lễ thành phục

Tức là con cháu mặc đồ tang để cúng tế và đáp lễ khi khách đến viếng. Trước khi thành phục, nếu có khách đến thì người chủ tang chưa ra tiếp mà người hộ tang thay mặt tiếp khách và thông cảm với khách.

Sau lễ thành phục mới chính thức phát tang. Sau đó thân bằng cố hữu, làng xã mới đến phúng viếng.

2.7 Cất đám

Đến giờ đưa tang, thầy cúng đọc văn tế, đọc xong sẽ tiến hành phạt mộc. Sau đó đậy kín nắp quan tài lại và khởi hành đám tang. Thứ tự theo phong tục tang lễ: Phật đình, long kiệu, cờ phướn, cầu kiều (đối với người quy phật), linh sa, cờ tang, phường kèn, xe tang, con cháu, cuối cùng là hàng xóm.

2.8 Hạ huyệt

Huyệt sẽ được con cháu đào từ hôm trước khi đúng phong tục tang lễ. Lúc hạ huyệt, người con trai trưởng lấp hòn đất đầu tiên, sau đó các anh em, con cháu.  Điều này thể hiện ý nghĩa con cái đắp mộ cho cha mẹ. Nếu trường hợp an táng vĩnh viễn, mộ sẽ được xây dựng chắc chắn. Nếu chôn theo tục cải táng thì mộ chỉ đắp sơ sài rồi phù cỏ. Khi xong tang lễ, phải về bằng con đường khác lúc đi và cũng không khóc nữa, vì như vậy hồn người chết sẽ biết mà theo về. Ngày nay nhiều người chọn an táng người thân ở nghĩa trang. Vì thế mà việc chôn cất cũng thuận tiện và trang trọng hơn.

Hạ huyệt

2.9 Rước vong về thờ

Trước lúc khâm liệm thì người ta lập một bàn thờ vong ở trước cửa. Bàn thờ vong là một cỗ linh sa được đặt trên một chiếc bàn rộng. Trong linh sa có bài vị và ảnh cùng tên tuổi của người mất. Trên bàn thờ phải luôn có nhang đèn, hương khói. Sau khi chôn cất gia đình sẽ cần rước vong về để thờ.

3. Một số nghi thức sau khi chôn cất người chết

3.1 Đi đắp mộ

Ba ngày sau tang lễ, con cháu tiến hàng đi đắp lại mộ để mộ cao và đẹp hơn. Lấy những mảng cỏ phủ kín bề mặt ngôi mộ, sau đó hương khói rồi trở về. Người xưa cho rằng, nếu cỏ trên ngôi mộ lên nhanh và xanh tươi là điềm báo mồ yên mả đẹp.

3.2 Cúng tuần đầu

Sau khi an táng thì tiến hàng lễ cúng tuần đầu. Theo tục xưa, tuần đầu không quy định bao nhiêu ngày, mà là ngày rằm hoặc mùng một đầu tiên sau khi chết. Lễ này có thể cúng tại nhà, không cần thiết phải ra mộ.

3.3 Cúng 49 ngày

Sau ngày tang lễ 49 ngày con cháu làm lễ cúng tại nhà. Hoặc có thể mang xôi gà, rượu, trầu, cau, hương ra mộ. Sau 49 ngày có thể rước vong linh lên chùa đối với những người đã quy y. Ngoài ra, theo phong tục tang lễ, lễ 49 ngày có thể cúng tại chùa hay đền thờ.

Cúng 49 ngày

3.4 Cúng 100 ngày

Trong vòng 100 ngày, con cháu phải cúng cơm mỗi ngày hai bữa trưa, chiều. Lễ này cũng như lễ 49 ngày, nhưng thường được tổ chức lớn hơn. Sau 100 ngày thân nhân không phải cúng cơm nữa, người quá cố được thờ chung trên bàn thờ tổ tiên.

3.5 Kỵ nhật (giỗ đầu)

Người dân cúng giỗ Tổ tiên và thân nhân của mình mỗi năm 1 lần vào ngày người đó mất. Trong đó, họ rất coi trọng giỗ đầu và thường tổ chức long trọng. Thường lễ cúng sẽ là những món mà khi còn sống người đó thích ăn.

3.6 Cải táng

Với những người chọn hình thức an táng là cải táng thì sau 3 năm sẽ tiến hàng cải táng. Cải táng cũng có nhiều nghi thức. Nhưng hình thức này tùy vào từng hình thức an táng người mất. 

Xem thêm: Bàn thờ người mới mất nên cắm hoa gì?

Trên đây là toàn bộ Thủ tục chôn cất người chết ở Việt Nam chúng tôi đã tổng hợp hy vọng sẽ giúp ích cho quý vị. Việc duy trì và bảo tồn phong tục chôn cất truyền thống đồng nghĩa với việc giữ gìn và bảo vệ bản sắc văn hóa và tôn giáo của Việt Nam.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *